Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Cách phối khí

CẤU TRÚC CỦA PHẦN HÒA ÂM CHO CA KHÚC

Phần hòa âm cho ca khúc thông thường có cấu trúc như sau:

Khúc dạo đầu (Introduction, gọi tắt là Intro) => dừng nghỉ 1 => Đệm cho phiên khúc 1 => dừng nghỉ 2 => Đệm cho phiên khúc 2 => dừng nghỉ 3 => Đệm cho điệp khúc => dừng nghỉ 4 => Đệm cho phiên khúc 1 lặp lại => dừng nghỉ 5 => Đệm cho phiên khúc 2 lặp lại => dừng nghỉ 6 (để kết hoặc để lặp lại ca khúc từ đầu hoặc lặp lại từ điệp khúc trở đi).

Soạn tiết điệu đệm

1. Đối với ca khúc được hòa âm theo phong cách nhạc nhẹ pop hoặc rock, việc phải làm trước tiên là xác định tiết điệu trống đệm (rhythm) cho khúc dạo đầu, phiên khúc, điệp khúc và kết bài.

2. Nếu là ca khúc được hòa âm cho khiêu vũ thì quá dễ, chỉ cần xác định nhịp điệu khiêu vũ cho ca khúc là xong như rhumba, tango, pasodoble, swing, slow, chachacha, valse, boston…

Việc chọn tiết điệu trống đệm cho ca khúc tùy thuộc vào quan điểm của người soạn hòa âm và… cũng có thể tùy theo yêu cầu của tác giả ca khúc hoặc của người sử dụng ca khúc. Tiết tấu trống phải được soạn cho phù hợp với tiết tấu của giai điệu và phù hợp với trạng thái tình cảm theo nội dung ca từ và giai điệu. Chẳng hạn như giai điệu đang du dương, chảy nhẹ nhàng thì không thể nào được đệm bằng tiết tấu sôi nổi hoặc đảo phách. Những tiết tấu nghịch phách, nhấn nhá phù hợp cho các đoạn có kịch tính, tương phản.

3. Để cho ca khúc thêm màu sắc, không nên sử dụng 1 tiết điệu trống cho cả bài mà nên có ít nhất 2: 1 tiết điệu cho phiên khúc và 1 tiết điệu cho điệp khúc. Tiết điệu trống cho điệp khúc có thể là 1 tiết điệu trống hoàn toàn khác với tiết điệu trống của phiên khúc ¬- gọi thông dụng là đổi điệu, hoặc có thể là biến tấu của tiết điệu phiên khúc (variation).

NGUYÊN TẮC VỀ ĐỐI ÂM

ĐỐI ÂM

Đối âm là soạn ca khúc để đệm cho ca khúc. J.S.Bach là cây đại thụ trong nhạc cổ điển và ông là người viết đối âm cực kỳ hay. Viết đối âm không khó nhưng muốn viết đối âm để nghe thuận tai đòi hỏi 3 điều:

1. Biết viết giai điệu,

2. Biết lập tiết tấu và tiết điệu,

3. Thuộc lòng các nốt trong các hợp âm.

Bạn hãy quên đi những “điều luật” trong hòa âm cổ điển như: cấm quảng 5 và quảng 8 song song; cấm viết chéo bè, v.v… để thả hồn cho thoải mái bay theo cảm xúc của mình đối với ca khúc. Khi soạn hòa âm cho ca khúc, tôi xin các bạn lưu ý như sau:

+ Không nên nói khi đang có người nói. Khi người ta đang hát thì không nên soạn cho nhạc cụ độc tấu. Nếu làm như vậy thì cái gì là chánh? Ca khúc hay là nhạc đệm?

Như vậy khi giọng hát đang thể hiện, ta nên đệm hoặc rải hợp âm theo tiết điệu.

+ Nếu muốn nói khi người ta đang nói thì chỉ nói ít và nói khẻ hoặc vâng dạ, ầm ừ cho người nói biết là ta đang lắng nghe.

Điều này có nghĩa là: khi giai điệu hát nhiều nốt ngắn (nốt mốc đơn và nốt mốc đôi) thì giòng nhạc đệm chỉ hát các nốt kéo dài (nốt đen, nốt trắng, nốt tròn). Và khi giai điệu hát nhiều nốt kéo dài thì giòng nhạc đệm có thể hát nhiều nốt ngắn.

+ Khi giai điệu hát theo chiều đi lên, thì giòng nhạc đệm nên theo chiều đi xuống (nhất là giòng bass) và ngược lại.

+ Các câu nhạc hòa âm nên tuân thủ theo hợp âm. Thí dụ: với tuyến hợp âm cho ca khúc như sau:

Em | D | Am | C | G | B7 | Em

thì các nốt trong giòng nhạc đệm phải được tiến hành di chuyển từ các nốt trong hợp âm Em để đến D, rồi đến Am, rồi đến C…

Và nên đặt nốt ở giai điệu hòa âm khác với nốt của ca khúc ở các đoạn dừng nghỉ (nhưng nốt này phải là nốt trong hợp âm) để tạo ra bè với giai điệu ca khúc.

Hòa âm, nếu không có giai điệu chánh, sẽ không có nghĩa và không diễn tả được điều gì cả. Một giai điệu không đẹp, dù người soạn hòa âm có cố công tôn tạo bằng thủ pháp hòa âm cũng vẫn là một giai điệu không đẹp. Nhưng một giai điệu đẹp, dù chỉ với hòa âm đơn giản (đệm bằng một guitar) hoặc không có hòa âm (hát “khô”) thì cũng đủ làm mê mẫn người.

HÒA ÂM 4 BÈ

Hòa âm 4 bè được soạn cho 4 giọng hát:

+ Bè 1: soprano (giọng nữ cao)/tenor (giọng nam cao)
+ Bè 2: alto (giọng nữ thấp)
+ Bè 3: baritone (giọng nam trung)
+ Bè 4: bass (giọng nam thấp/trầm)

Tuy nhiên, các bạn đừng bị bó buộc là phải tìm đúng chất giọng cho từng bè như “lý thuyết” nêu trên. Chủ yếu là các bạn tìm được giọng hát phù hợp với âm vực của từng bè – nam hay nữ cũng được.

Ngôn ngữ Việt Nam có dấu và đó là khó khăn trong việc soạn tốt bè đối âm, vì để có đối âm tốt thì bè thấp thường được tiến hành ngược chiều với bè cao và nếu, thí dụ – bè cao hát chữ CÓ lúc đi lên thì bè thấp khi tiến hành ngược chiều – đi xuống sẽ hát chữ CÓ thành CÒ!

Tôi sử dụng lại phần 1 của bài “Bay Đi Cánh Chim Biển” để soạn hòa âm 4 bè cho các bạn tham khảo có đính kèm bài nhạc mp3 minh họa bằng 4 nhạc cụ để các bạn nghe (đúng ra phải là giọng người hát mới “phê”).

1. Nguyên Tắc 2: nên soạn bè trầm ngược chiều với giai điệu, hoặc có tiết tấu khác chen lót cho 3 bè trên.

2. Nguyên Tắc 3: đầu tiên là soạn bè trầm trước đi chung với giai điệu. 2 bè còn lại được soạn lót sau cho đầy hợp âm.

3. Nguyên Tắc 1: 4 bè phải bám theo hợp âm đã ghi cho từng ô nhịp, nhất là phải về đúng nốt trong hợp âm ở ngay phách 1 của ô nhịp.

4. Nguyên Tắc 4: thông thường giọng bè cao nhất sẽ đảm nhiệm phần giai điệu của ca khúc, nhưng nếu bè này hát phần bè cao nghe đẹp, tại sao không đảo lại cho giọng bè 1 này hát bè và giọng bè 2 hát giai điệu?

Theo tôi, soạn 4 bè chỉ có 4 nguyên tắc trên. Việc quan trọng nhất là soạn hợp âm cho hay, còn lại là sự tưởng tượng, thêu dệt tiết điệu/tiết tấu cho 3 bè (trừ bè giai điệu chánh) của người soạn hòa âm.

HỢP ÂM 7

Qua bài 1, các bạn đã biết cách ghi hợp âm tự nhiên (hợp âm trưởng và thứ) cho một bài hát. Ngoài các hợp âm tự nhiên, các bạn còn có thể sử dụng thêm hợp âm 7 để thêm màu sắc hòa âm.

1. Hợp âm 7 là hợp âm 4 nốt, được thành lập như sau:

Chồng lên hợp âm (cả trưởng và thứ) thêm một quảng 3 thứ tính từ nốt quảng 5 của hợp âm (hoặc quảng 7 thứ tính từ nốt gốc hợp âm). Nếu là hợp âm trưởng thì tên gọi của hợp âm sẽ là: hợp âm trưởng 7, và nếu là hợp âm thứ thì tên gọi là hợp âm thứ 7.

Đừng lầm lẫn hợp âm trưởng 7 – thí dụ, C7 với hợp âm 7 trưởng – Cmaj7. Hợp âm trưởng 7 là hợp âm trưởng có thêm nốt quảng 7 thứ tính từ nốt gốc hợp âm trưởng. còn hợp âm 7 trưởng (cũng là hợp âm có 4 nốt) có thêm nốt quảng 7 trưởng tính từ nốt gốc hợp âm.

2. Theo luật hòa âm ở phần giải kết mà ta đã biết, trước khi trở về hợp âm chủ – kết hoàn toàn hoặc kết không hoàn toàn, tuyến hợp âm sẽ tiến hành đến hợp âm bậc 5.

Để tạo hiệu quả “réo gọi” hợp âm chủ hơn, hợp âm bậc 5 này được nhận thêm một nốt để trở thành hợp âm 7. 4 nốt trong hợp âm 7 này sẽ chuyển về 3 nốt trong hợp âm chủ theo bậc 1/2 cung hoặc 1 cung lên xuống. Nốt gốc của hợp âm bậc 5 có thể không chuyển và trở thành nốt quảng 5 trong hợp âm chủ hoặc có thể nhảy theo quảng 5 xuống hoặc quảng 4 lên để về nốt chủ âm trong hợp âm chủ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét