Chủ Nhật, 16 tháng 10, 2016

Lý thuyết âm thanh cơ bản (phần 5/6)

V / Các thiết bị tăng âm (amplifier).

Các thiết bị tăng âm (amplifier) là những thiết bị điện tử cuối cùng trước khi ra hệ thống loa. Nói đơn giản, nó là thiết bị chuyển tín hiệu âm thanh từ 0 dB thành năng lượng có thể rung được màng loa (biến đổi điện năng thành cơ năng) để có thể nghe được. Trước đây, ampli thường được chế tạo bằng biến trở đơn thuần, hiện nay hầu hết làm bằng công nghệ mosfet nên chất lượng rất cao. Công suất phát ra của dòng ampli pro từ vài trăm watt đến vài ngàn watt, có thể lên tới 3600W RMS (RMS là công suất thực mà cục công suất có thể phát ra trong thời gian dài) như của hãng Wharfedale.


Thông thường, ampli là stereo nghĩa là 2 kênh ampli trong 1 gọi là left, right / 1, 2 / A, B. Tín hiệu ngõ vào danh định là 0 dB, có thêm 1 biến trở để có thể gia giảm. Tổng trở của ngõ ra loa là 8 Ω. Khi xử dụng loa có tổng trở càng thấp thì công suất của ampli lại càng cao. Thí dụ ampli sẽ có công suất 1.000Ư khi ở 8 Ω, nhưng nếu bạn dùng loa 4 Ω thì công suất ampli sẽ là 2.000w, tăng theo tỉ lệ nghịch. Thấp nhất tối thiểu là 2 Ω. Khi bạn đọc công suất của ampli thì bạn phải biết rõ công suất RMS ở tổng trở nào mới là đúng.

Công suất danh định của ampli được tính bằng công thức P = U² ⁄ Z với độ méo tiếng (distortion) nhỏ hơn 1‰, với tần số 1KHz. Trong đó U là điện thế đo được ở ngõ ra ampli tính bằng volt, Z là tổng trở tải. Như vậy, khi nói công suất của 1 ampli là 100w ở 4 Ω thì điện thế đo được ở ngõ ra loa bắt buộc phải lớn hơn 20 volt.

Với sân khấu hiện đại ngày nay thường sử dụng nhiều hệ thống loa cho 1 bên sân khấu, tương ứng cũng rất nhiều ampli được sử dụng. Thông thường thì 1 bên (channel) của ampli dùng cho 1 loa gọi là kiểu stereo. Nhưng có thể khai thác tối đa công suất của ampli bằng cách đấu dây 2 loa song song (parallel) làm hạ tổng trở Z ra của ampli. Cách này thường dùng cho hệ đấu loa 4 Ω, thấp nhất là 2 Ω.

Hơn thế nữa, bạn có thể đấu dây của cọc xuất ra của ampli theo kiểu “bắc cầu” (bridge mode). Đây là cách làm cho 2 channels của ampli như là chồng nối tiếp lên nhau, công suất có thể tăng gấp 4 lần so với 1 channel. Khuyết điểm của cách này là tổng trở ngõ ra cao gấp đôi, hạ thấp nhất là 4 Ω nên khó giảm tổng trở của loa.

Riêng chỉ có hãng Crown của Mỹ (công ty con của tập đoàn Harman) còn có thêm cách là đấu song song (parallel mode) 2 channel của ampli làm một. Cách này có thể hạ tổng trở xuống 2 Ω (có model tới 1Ω), ngược với đấu cầu. Với 2 cách Bridge mode và Parallel mode, ngõ vào tín hiệu của amli chỉ sử dụng được 1 (left hay right, A hay B tùy hãng sản xuất) vì lúc này nó chỉ là 1 ampli mono.

Sau đây là 1 thí dụ sự thay đổi tương ứng giữa cách đấu channel ampli + tổng trở loa và công suất đạt được :

Với ampli 500w stereo danh định (250w mỗi bên ở 8 Ω) sẽ có nhiều loại công suất nếu bạn dùng cách thay tổng trở.

-Chế độ Stereo: 500w tại 4 Ω, 1.000w tại 2 Ω.(per channel)

-Chế độ Bridge: 1.000w tại 8 Ω, 2000w tại  4 Ω. (per ampli)

-Chế độ Parallel: 2000w tại 4 Ω, 4.000w tại 2 Ω. (per ampli)

Các hãng sản xuất thường lấy công suất cách đấu lớn nhất làm công suất của ampli nên khi sử dụng bạn phải coi kỹ.

Các cọc ra loa thường là cọc quả chuối (banana post) gồm hai cọc đỏ, đen cho mỗi channel tương ứng +, - của từng channel. Bạn nhớ đấu dây đúng cho hệ thống loa theo + - nhé. Dưới đây là hình minh họa 3 cách đấu channel, và nhớ bật switch tương ứng.

Đến đây bạn phần nào hiểu rõ sự quan trọng giữa công suất ampli và tổng trở loa rồi. Còn một phần quan trọng không kém là dây loa. Với dây loa tiết diện 1 mm2, trên 1 mét dây đôi, điện trở trong R của nó đo được gần 0.5Ω. Vậy nếu bạn dùng 8 mét dây loa cho loa 4Ω của bạn, coi như bạn đã bị mất 1 nửa công suất tải trên sợi dây loa rồi đó. Giảm thiểu khuyết điểm này, bạn phải dùng dây loa tiết diện lớn nhất có thể có hoặc thu ngắn chiều dài lại, đặt ampli càng gần loa càng tốt. Các thiết bị điều khiển khác, nối với ampli bằng dây tín hiệu balance thì có dài cũng không sao. Vài mét dây loa làm sao sánh được hàng trăm watt công suất phải không các bạn?

Như đã nói ở các bài trên, không có ampli nào đáp ứng được mọi giải tần nghe được của âm thanh. Có vài loại khá đầy đủ như series CPD của Wharfedale Pro, Dynacord v.v nhưng mắc tiền và hình như họ có filter nên công suất yếu. Với sân khấu chuyên nghiệp, hệ thống loa có nhiều đường tiếng, bạn nên dùng loại ampli cho từng loại loa mà hãng đó khuyến cáo. Thí dụ như với ampli Crown và loa JBL, model 800 dùng cho loa high và super high, 2400 và 3600 cho mid và lo mid, trầm thì phải dùng 5000 là đúng nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét